Tiểu sử Trần_Hồng_Uy

Học tập và làm việc

Trần Hồng Uy được sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước. Năm 6 tuổi, cha của ông qua đời. Dù cuộc sống rất khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm thi vào Khoa Trồng trọt của Trường Đại học Nông Lâm vào năm 1957. Đến năm 1961, Trần Hồng Uy tốt nghiệp với tấm bằng Kỹ sư Nông nghiệp và được đưa về công tác tại Ty Nông nghiệp Hà Bắc, tham gia chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.

Năm 1962, ông được giao đảm nhiệm chức vụ Hiệu phó Trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Hà Bắc. Vào mùa xuân năm 1968, ông được cử sang Rumani làm luận án Phó tiến sĩ và sau đó đã bảo vệ thành công luận án mang tên Nghiên cứu khả năng kết hợp của một số dòng ngô. Trần Hồng Uy về nước vào đầu năm 1972 và được Bộ Nông nghiệp điều về Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm Việt Nam làm việc dưới sự hướng dẫn của nhà nông học Lương Định Của. Sau đó, ông tình nguyện lên công tác tại Trại Nghiên cứu ngô Sông Bôi, ngày nay là Viện Nghiên cứu ngô Việt Nam, để xây dựng cơ sở nghiên cứu về ngô đầu tiên ở Việt Nam nhằm lai tạo những giống ngô có chất lượng. Trong giai đoạn từ 1975 đến tháng 6 năm 2001, Trần Hồng Uy là chủ nhiệm chương trình nghiên cứu và phát triển ngô của Việt Nam. Năm 1985, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại Bulgaria.[1] Hiện tại, Trần Hồng Uy đang là cố vấn cao cấp tại Công ty Cổ phần Giống Trung ương.[2]

Nghiên cứu và cống hiến

Tạo giống ngô lai

Tại Trại Nghiên cứu ngô Sông Bôi, ban đầu, ông cùng đồng nghiệp bắt tay xây dựng quỹ gen ngô đặc thù của Việt Nam bằng cách điều tra, thu thập những giống ngô quý để làm nguyên liệu lai tạo cũng như thu thập những nguồn gen ngô nhiệt đới, chủ yếu là ở các nước có cùng vĩ độ với Việt Nam. Năm 1977, Trần Hồng Uy cùng các cộng sự đã lai tạo thành công một loạt giống ngô thuần có năng suất cao gấp đôi những giống ngô truyền thống. Tính đến năm 1989, Trại ngô Sông Bôi đã cho ra đời tổng cộng mười ba giống ngô thuần chuẩn và đã được Hội đồng Khoa học của Bộ Nông nghiệp công nhận và đưa vào sản xuất rộng rãi trên toàn quốc với năng suất từ 3 đến 6 tấn trên một hecta. Trong đó, Trần Hồng Uy là tác giả của sáu giống và là đồng tác giả của ba giống khác. Thành tựu này đã giúp cho Việt Nam chấm dứt luôn việc hàng năm phải nhập khẩu giống ngô từ Ấn Độ và một số nước khác.[2]

Tiếp đó, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 1993, ông tiến hành chương trình tạo giống ngô lai không quy ước và nâng cấp thành giống lai quy ước với những đặc tính vượt trội hơn trong thời gian từ năm 1994 đến năm 2000. Những giống ngô này đã được Viện nghiên cứu ngô đưa vào sản xuất, chiếm đến 50% lượng ngô gieo trồng trên toàn quốc, đạt năng suất từ 5 đến 12 tấn trên một hecta. Những sản phẩm ngô lai của ông đã góp phần rất lớn trong việc cải thiện đời sống người nông dân do giá thành hạt giống rẻ nhưng năng suất lại đạt rất cao. Theo đó, Chương trình ngô lai ở Việt Nam đã được Trung tâm Cải tạo giống Ngô và Lúa mì Quốc tế - CYMMYT, Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc - FAO đánh giá là một trong ba chương trình ngô lai mạnh ở châu Á, cùng với Trung QuốcThái Lan.[2]

Ngô đông trồng bầu trên nền đất ướt

Công trình ngô đông trồng bầu trên nền đất ướt sau hai vụ lúa của ông cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nạn thiếu lương thực trong nhân dân. Xuất phát từ ý tưởng của những người nông dân ở Hợp tác xã Hợp ThịnhTam Dương, Vĩnh Phúc, Trần Hồng Uy đã cùng với cộng sự kiên trì nghiên cứu trong bảy năm mới có thể hoàn chỉnh kỹ thuật, công nghệ trồng ngô bầu. Sau đó kỹ thuật này còn được áp dụng cho cả đậu tương, khoai langkhoai tây. Kỹ thuật này cũng đã được Trung tâm Cải tạo giống Ngô và Lúa mì Quốc tế - CYMMYT, Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc - FAO phổ biến, tập huấn cho các nước trong vùng và trồng thử nghiệm ở một số quốc gia khác.[2]